Giới thiệu Đặc sản Ngọc Linh
TỔNG HỢP NHỮNG MÓN ĂN ĐẶC SẢN KHI LÊN ĐẠI NGÀN KON TUM
Như một một thông lệ khi đi du lịch hoặc công tác ở xa, ai cũng tranh thủ tìm mua cho mình một đặc sản làm quà như được mang một tí nắng, chút gió, một phần tình cảm, đặc biệt là đặc trưng văn hóa của nơi mình đã đi qua về để giới thiệu bạn bè, người thân và... để nhớ. Kon Tum tuy bé nhỏ nhưng cũng có rất nhiều sản vật ngon, độc đáo như để thưởng thức và mua làm quà như: Rượu cần, Sâm dây Ngọc Linh, Cà phê nguyên chất, Thổ cẩm, Măng le, Chuối ép, Rượu Sâm dây…chắc chắn sẽ làm thỏa lòng du khách phương xa.
Sau đây shop dacsanngoclinh.com sẽ giới thiệu đến quý anh chị một số món ăn đặc sản và một số món quá mang tính độc đáo và ý nghĩa khi lên đại ngàn Kon Tum
- Một số món ăn đặc sản Kon Tum
- Rượu cần Kon Tum ( Rượu ghè, ché rượu cần….)
Đây là một loại thức uống rất phố núi và bạn sẽ thấy thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Và rượu cần được dùng vào các dịp Lễ Tết, ngày hội lớn, Lễ tế thần linh hay để chiêu đãi khách quý. Với hương vị thơm cay nhưng uống rồi lại mang cảm giác dịu ngọt, không nồng quá. Nếu bạn đã đặt chân đến đây mà không thưởng thức loại rượu cần đặc trưng nơi đây thì thật là điều đáng tiếc.
Ngon nhất vùng phải kể đến là: Rượu gào, kê, bobo, nếp than, nếp cái rồi mới đến gạo, bắp... được chính tay người phụ nữ đảm đang nhất trong gia đình Kon Tum làm ra từ men rượu truyền thống
Địa chỉ: Đường Bắc Cạn – Tp. Kon Tum.
- Xôi măng Kon Tum
Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum.
Mang nét đặc trưng riêng trong vẻ quyến rũ của màu sắc với đôi chút vàng tươi của măng rừng, đặt trên bát xôi nếp màu nghệ, xôi măng hấp dẫn người qua lại bằng cả mùi thơm đặc biệt, khiến biết bao người đều nán lại chỉ để mua cho được gói xôi kịp giờ đi làm. Vô tình món ngon ấy trở thành thứ để níu chân người một lần qua phố núi Tây Nguyên.
Địa chỉ thưởng thức: Góc Ngã tư Lê Hồng Phong và Lê Lợi – Tp. Kon Tum
- Bún nước Kon Tum
Những ngày xuân, nếu như đã ớn ngấy với thịt cá, nem chả thì mời bạn hãy thử món bún nước – giản dị mà độc đáo của người phố núi. Ấn tượng từ món ăn độc đáo này chính là vị ngọt thanh của nước dùng, bún tươi, , vì cay của muối ớt hột được giã nhuyễn và vị ngọt của nước trụng bún tươi. Món ăn dân dã, thanh tao làm ấm lòng người, rất thích hợp cho những sáng sớm trời se lạnh.
Bún nước - giản dị như cái tên gọi, nó không có cái vị thơm lừng cuốn hút của Bún chả Hà Nội, không phải là một tô to béo ngậy như bún bò Huế, cũng chẳng mang dáng dấp đậm đà của bún mắm Nam Bộ. Bún nước Kon Tum có nguồn gốc từ bún tôm Bình Định, có lẽ trong quá trình khai khẩn vùng đất Bắc Tây Nguyên, người dân đất võ đã mang theo món ăn độc đáo của mình, nhưng được cải biến đi, cho phù hợp với khẩu vị và nguồn nguyên liệu tại phố núi.
Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy thích thú với món bún này bởi nước dùng làm từ nước trụng bún, có vị hơi ngang ngang, không ngọt béo, đậm đà như nước dùng của các loại bún giò, bún bò, bún riêu,…Nhưng điều đó lại tạo nên hương vị rất riêng, vị ngọt thanh tạo nên vẻ dung dị, hiền lành, một “nét cái duyên ngầm” của bún nước khiến nhiều người “kết thân” lúc nào không hay. Bún nước Kon Tum mang dáng vẻ rất riêng, cuốn hút người ăn bằng sự độc đáo, vị ngọt thanh trong từng sợi bún tươi mới ra lò, từ nước dùng trắng trong nhẹ nhàng, từ chút tôm, chút thịt bằm gia giảm vừa chừng. Nhất là vào những lúc đi một quãng đường xa về hoặc khi trong người cảm thấy mệt mỏi, khó ăn uống, thì một tô bún nước thanh đạm sẽ dễ khiến bạn dễ chịu hơn, thêm chút tía tô để giải cảm nữa.
Địa chỉ: Một số quán đi dọc trên đường Nguyễn Huệ Kon Tum, Phường Trần Hưng Đạo tp Kon Tum ( Đến gần Ngã ba Hòa Bình hỏi ai cũng biết)
- Gỏi lá Kon Tum
Gỏi lá là món ăn đặc sản của Kon Tum, từng hai lần được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á. Người dân địa phương thường nói rằng đến với Kon Tum, chưa ăn gỏi lá thì chưa nên về. Gỏi lá được ví như tinh hoa của Tây Nguyên với gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan.
Món ăn mang đậm chất núi rừng khi trong mâm Gỏi lá, như tên gọi của nó, toàn lá là lá. Gỏi lá đã đưa thực khách đến gần hơn với đặc trưng của văn hóa ẩm thực Tây Nguyên vì khi ăn từ việc chọn lá, lấy thức ăn kèm và cuốn gỏi phải dùng tay mới đúng điệu.
Thành phần chính: Gỏi lá ăn chung với thịt ba chỉ luộc chín thái mỏng, tôm đất được cắt đầu rang vàng khô vừa béo vừa mềm. Món bì heo được chế biến vô cùng công phu khi được thái sợi rồi trộn với riềng giã mịn và gia vị. Phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan.
Điểm nhấn của món này là nước chấm. Nước chấm của món gỏi lá Kon Tum không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu, chén nước chấm đậm đà, bắt mắt có màu vàng của nghệ. Cách làm nước chấm cũng kỳ công như khi đi thu hái lá rừng, đó là việc để gạo nếp lên men, có mùi thơm dậy thì đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, sau đó xay nhuyễn. Thái hành khô phi đến khi vàng giòn thì cho hỗn hợp trên vào, thêm mẻ, sa tế, gia vị và đảo đều tay, đun lửa liu riu rồi nêm nếm cho vừa ăn. Khi đã bốc lên mùi ngầy ngậy của rượu và hành phi, có chút hương nồng là nước chấm đã thành phẩm.
Sau đó, tất cả các loại lá đã được hái từ sáng sớm sẽ được rửa sạch và bày lên mâm. Các món ăn kèm cũng dọn ra cùng.
Giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu đã công phu, khi thưởng thức món ăn này cũng đặc biệt không kém, không thể vội vã mà phải theo đúng quy trình.
Cách dùng: Trước tiên, chọn một lá to bản như lá cải hoặc lá mơ lông bao bên ngoài, tiếp đó chọn lá non xếp vào trong, khi thấy vừa một cuốn gỏi thì xoáy gấp cuốn lá thành hình phễu.
Sau đó, cho thêm một lát thịt heo, một miếng tôm, vài sợi bì lên trên. Nhất định phải bỏ thêm muối hạt và hạt tiêu nữa mới đủ vị. Còn ớt chỉ thiên thì nên ăn riêng nếu ai thích vị thơm cay nồng của nó. Mỗi lần cuốn lá chúng ta có thể lựa chọn các loại lá khác nhau để tạo nên những hương vị riêng, khi thì bùi bùi của lá sung, chan chát của lá ổi khi lại thơm dịu, chua chua của lá xoài.
Cuối cùng, múc một thìa nước chấm chan đều lên rồi bỏ hết cuốn gỏi vào miệng và từ từ thưởng thức sự hòa quyện của hoang dại, nồng nàn, thanh mát đậm hương vị Tây Nguyên. Thực khách sẽ từ từ cảm nhận được vị chan chát của lá ổi, bùi bùi vị lá sung, chua chua của lá xoài, hay vị đắng gắt của lá mật gấu, vị nồng của hạt tiêu, beo béo của tôm thịt, hay ngầy ngậy của nước chấm và cảm giác cay xé đầu lưỡi khi ăn cùng ớt chỉ thiên. Tất cả như hòa vào nhau, mang đến cho thực khách những trải nghiệm thật khó quên về hương vị núi rừng.
Nếu có dịp đến Kon Tum một lần hãy tận hưởng hết hương vị của núi rừng Tây Nguyên, đơn sơ, giản dị nhưng cuốn hút từ món gỏi lá.
Địa điểm thưởng thức: Các bạn có thể thưởng thức tại một số quán như Út Cưng, Yến Vy… tại đường Trần Cao Vân – TP.Kon Tum. Ngoài ra tại quán còn có một số món ăn như Gà Lá giang, Gà nướng cơm lam, heo làng nướng….. Rất ngon nhé mọi người!!!
- Gà nướng cơm lam, heo làng nướng Kon Tum
Món gà nướng cũng làm từ gà bản địa (Gà đồng bào), được làm sạch, tẩm ướp với một vài loại rễ, lá, mật ong rừng, độn vào bên trong con gà một nắm lá tiêu rừng, nướng trên bếp than hồng xoay tròn đến khi chín vàng, thơm lựng thì bắt đầu thưởng thức bằng cách xé nhỏ từng miếng thịt vàng ươm, nhâm nhi với vài ly rượu sâm thì không gì thú vị bằng.
Cơm lam là món ăn được làm từ gạo nếp của buôn làng, bỏ vào ống nứa ngô non, cho vào một ít nước suối trong lành rồi dùng lá nút lại, nướng trên than hồng đến khi mùi nếp tỏa ra thơm nồng là ta biết cơm chín, đem ra ăn với gà nướng, thịt xiên hoặc chấm muối mè.
Heo được quay từ giống heo của người dân tộc bản địa, nuôi từ thức ăn tự nhiên nên thịt săn chắc và có vị ngọt đặc trưng, bổ dưỡng, làm thịt bằng phương pháp thủ công, sạch sẽ, tẩm ướp bằng các hương vị tự nhiên và quay trên than hồng nên khi ăn ta cảm nhận được ngay vị thơm và vị ngọt ngon của thịt.
Địa điểm thưởng thức: Các bạn có thể thưởng thức những món này tại khu du lịch sinh thái tại Măng Đen Kon tum, cách Thành Phố Kon Tum 60 km. Ngoài các món ăn đặc trưng của núi rừng Măng Đen, chúng ta cũng có thể thưởng thức các món ăn phổ biến của các vùng miền khác như mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống Quảng Nam, phở khô Gia Lai, lẩu dé đắng Tây Sơn, Bình Định…,
Hoặc nếu muốn đi gần ở Kon Tum các bạn có thể thưởng thức những món này tại Xã Ngọc Bay cách Kon tum khoảng 15km.
Tại đây có du lịch cộng đồng, hát cho nhau nghe, thưởng thức gà nướng cơm lam, rau rừng xào, mặc đồ trang phục của người địa phương đánh công chiêng rất thú vị, hứa hẹn sẽ mang một cảm giác núi rừng đặc trưng và các bạn không thể nào quên.
- Phở khô
Phở khô là một món ăn đặc sản của vùng đất Tây Nguyên. Và nếu bạn có dịp đi du lịch đến Kon Tum, bạn sẽ thấy ở đây, phở khô là món ăn vô cùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương. Món ăn này phổ biến đến mức có thể là món ăn cho bất kể các bữa ăn trong ngày hoặc là sáng sớm hay chiều muộn. Món ăn cũng được phục vụ ở hàng rong hay trong quán ăn lớn, nên bất cứ ai cũng dễ dàng thưởng thức.
Cách ăn một tô phở khô Kon Tum cũng tương tự như ăn hủ tiếu khô vậy. Một đũa để thực khách thưởng thức hương vị từ sợi phở cộng với thịt bò, thịt gà, hành phi, xì dầu. Còn một muỗng để thực khách húp một miếng nước dùng nóng hổi. Và trong quá trình trộn đều tô phở khô, thực khách còn phải cho thêm rau (có rau cần, giá trụng, rau ngò, rau quế) và vắt ít chanh để cảm nhận trọn vẹn hơn độ ngon của món ăn.
Địa điểm thưởng thức: Một số quán tại đường nguyễn Huệ như: Quán Phở Mỹ, Phở khô Gia lai.
- Cà Đắng Kon Tum
Cà đắng là món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số Kon Tum. Cà đắng mọc thành vạt ven những ngọn đồi, bờ suối, quả nhỏ như cà pháo hoặc quả hình thuôn dài, to hơn đốt tay, màu xanh sậm, sọc trắng dọc quả.
Trước đây, cà đắng là cây mọc hoang nay được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà, trái to hơn, màu xanh nhạt, vị đắng giảm đi chút ít, dễ ăn hơn và phù hợp với khẩu vị nhiều người.
Cà đắng được xắt từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon.
Ngoài ra cà đắng còn nấu thành nhiều món kho với tôm, tép bắt được dưới sông hay cà đắng um lươn, ếch, món nào cũng ngon, cũng dậy lên hương thơm quyến rũ. Những ai ăn cà đắng lần đầu đều có cảm giác không thoải mái với vị đắng nhân nhẫn của loại trái hoang dại, nhưng vài lần sẽ nghiền và khó quên hương vị độc đáo của nó.
- Cá Niêng Kon Tum
Cá Niêng (hay còn gọi là cá niên, cá mác, cá sỉnh cao) là một loại đặc sản nức tiếng thơm ngon của vùng đất Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ở Kon Tum cá Niêng có mặt tại huyện Đăk Glei, đến nơi đây mà chưa thưởng thức cá Niêng coi như bạn chưa biết gì về ẩm thực núi rừng.
Nhìn bề ngoài cá Niêng có phần thân thuôn thuôn, tròn trịa giống cá chép, dưới ánh mặt trời vảy ánh bạc lấp lánh, óng ánh như cá diếc. Có thể nói đây là loại cá “chất lượng hơn số lượng” vì khi trưởng thành chúng không to hàng chục kg như các trắm, cá mè mà chỉ như 3 ngón tay người lớn ghép lại và dài khoảng hơn gang tay, song bù lại, sự thơm ngon của cá thì thực sự nổi trội. Cá Nêng sống thành đàn ở những vùng nước chảy xiết hay trong ghềnh đá, có nhiều hang hốc.
Chúng luôn bơi ngược dòng nước nên xương cứng, thịt chắc chứ không bở, lại không tanh mà thơm ngọt tinh khiết, nhiều chất dinh dưỡng. Loài cá này chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên ruột rất sạch, không có mùi tanh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon lành khác nhau.
Từ cuối mùa xuân qua mùa hè là thời điểm cá Niêng xuất hiện nhiều nhất trên các con sông, con suối của huyện Đăk Glei, dưới những cánh rừng già, nhiều ghềnh đá. Cá có thân hình thuôn dài nên bơi rất nhanh, hễ có động là chúng nhanh chóng lẩn trốn khôn khéo trong các khe suối, hốc đá. Chúng cũng không tạp ăn nên mồi câu cũng phải chuẩn bị theo mùa, tháng 11 đến tháng Chạp, có thể dùng trùn chỉ để làm mồi, gần sang hè dùng mồi bọ đá hoặc mồi sâu xanh. Việc câu cá cũng đòi hỏi tài nghệ điêu luyện của người đi câu, cần câu phải nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy. Mép cá Niêng rất mỏng, khi cá bén mồi mà giật mạnh sẽ làm rách môi cá, cá rớt xuống suối trở lại.
Ngày nay, danh tiếng về sự thơm ngon của cá Niêng đã vượt qua những cánh rừng, từ chỗ là món ăn dân dã thường ngày của bà con dân tộc vùng cao, nay cá Niêng đã có tên trong danh sách những món ăn đặc sản của Đăk Glei. Các Niêng đánh bắt về chế biến thành nhiều món ăn như: nướng trui, kho mặn, làm lẩu măng chua, gỏi với rau dớn…
Một số món ăn được chế biến từ cá Niêng
- Cá Niêng Kho tộ hoặc Rim
- Cá Niêng Nướng mọi
- Cá Niêng nướng chuối non
- Lẩu cá Niêng
Địa điểm thưởng thức: Nếu có chuyến đi ngang qua huyện Đăk Glei các bạn có thể thưởng thức một số quán ăn nổi tiếng tại huyện.
Ở Kon Tum các bạn có thể đến quán Trần Gia quán đường Phan Chu Trinh.
- Lẩu Nấm Gà Nhúng lá Sâm dây
Theo nghiên cứu khoa học, đảng sâm có tác dụng bồi bổ sinh lực cơ thể, còn thịt gà kết hợp với ngũ vị tử có tác dụng giải độc cho gan.
Tại Kon Tum ngoài một số món ăn đặc sản nêu trên thì hiện tại món Gà Làng nấu lẩu nấm nhúng với là Sâm dây, sâm đương quy cũng là một món ăn đặc sản lạ miệng đang lên ngôi.
Khi dùng lá sâm dây có vị ngọt tính hàn thanh mát, làm cho món gà nấu có vị rất lạ và ngon
Địa điểm thưởng thức: Khi đi du lịch Khu sinh thái Măng Đen các bạn có thể thưởng thức tại quán Trà Giang.
Lưu ý: Các bạn khi đi du lịch đến Kon Tum nếu không biết địa điểm thưởng thức món ăn hoặc mua đặc sản có thể liên hệ sdt 0985522343 (Huy) để hướng dẫn thêm. Thân ái!!!
Viết bài: dacsanngoclinh.com
Nguồn: Sưu tầm
---VIDEO CỦA SHOP---
MÔ HÌNH TRỒNG LAN KIM TUYẾN TẠI VÙNG ĐẤT TÂY NGUYÊN KON TUM
Tìm hiểu về hình thái lá hoa và công dụng cây Sâm dây Ngọc linh
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SÂM DÂY
Mùa hoa Mai anh đào trên cao nguyên Măng Đen Kon Tum
Những ngày đầu năm mới, rất nhiều người dân và du khách đã đến cao nguyên Măng Đen (tỉnh Kon Tum) để thưởng lãm hoa anh đào nở.Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lan kim tuyến
Cây Kim tuyến là cây chịu bong, cần ẩm độ cao vì vậy để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tếNhân giống và trồng thử nghiệm thành công cây lan Kim Tuyến
Đề tài nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây Kim Tuyến được tiến hành trong giai đoạn (2014-2017) với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ.Thưởng thức những đặc sản gì khi đến đại ngàn Kon Tum ?
Như một một thông lệ khi đi du lịch hoặc công tác ở xa, ai cũng tranh thủ tìm mua cho mình một đặc sản làm quà như được mang một tí nắng, chút gió, một phần tình cảm...Phân biệt củ Sâm dây và củ Bách bộ
I. Củ Sâm dây (Codonopsis Javanica) Tên khoa học: Codonopsis sp. Bộ Hoa chuông: Campanulales Họ Hoa chuông: CampanulaceaeTiềm năng lớn từ cây dược liệu ở Kon Tum
Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Kon Tum có được nguồn dược liệu đa dạng, phong phú chủ yếu tập trung ở 3 huyện phía đông dãy Trường Sơn là Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei với 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc quý hiếm.Tác dụng chữa bệnh của lan kim tuyến (lan gấm)
Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus) sinh sống trên ....Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến Sâm dây
Sâm dây có thể được trồng từ củ hoặc từ cây giống được sản xuất từ được gieo tại vườn ươm hoặc ngoài đồng ruộng. Ngoài ra, tuy điều kiện đất đai, mục đích canh tác, v.v… Sâm dây có thể được trồng thuần hay trồng xen với các cây khác như ngô, lúa cạn, cà phê, sắn,…