Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến Sâm dây

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, BẢO QUẢN VÀ CHẾ BIẾN SÂM DÂY (HỒNG ĐẢNG SÂM)

 

Sâm dây có thể được trồng từ củ hoặc từ cây giống được sản xuất từ được gieo tại vườn ươm hoặc ngoài đồng ruộng.

Ngoài ra, tuy điều kiện đất đai, mục đích canh tác, v.v… Sâm dây có thể được trồng thuần hay trồng xen với các cây khác như ngô, lúa cạn, cà phê, sắn,…

1. Chọn địa điểm trồng và quản lý đất trồng

Sâm dây thích nghi ở những vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm. Vùng phân bố tự nhiên của cây Sâm dây nên chọn là vùng sản xuất. Đất trồng là đất đồi núi độ cao 900m – 2200m, tầng đất dày, giàu mùn, thoát nước tốt. Khu đất trồng không có nguy cơ gây ô nhiễm đất bởi các tác nhân ngoại cảnh.

Đất trồng không có nguy cơ nhiễm các yếu tố độc hại cho sản phẩm cây trồng (Hàm lượng kim loại năng, nitrat, vi sinh vật gây hại không vượt quá quy định). Quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất và định kỳ đánh giá lại nền đất trồng .

2. Thời vụ trồng:

 Sâm dây trồng thích hợp vào mùa mưa, khi thời tiết mát mẻ, đảm bảo đất đã đủ ẩm, thông thường từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch; có một số vùng mua mưa sớm hơn vào khoảng cuối tháng 3 thì vẫn có thể trồng được.

3. Chuẩn bị đất.

Đây là khâu quan trọng khi trồng Sâm dây. Đất trồng phải cao ráo, tơi xốp, thoát nước nhanh, nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng. Các triền đồi thoai thoải, ruộng bậc thang hay chân ruộng cao là thích hợp nhất.

Đất được phát đốt dọn sạch các loại cây tạp, cày bừa kỹ hoặc cuốc, đập nhỏ, vơ hết cỏ dại, phơi ải, bón lót phân, rồi đánh thành luống to nhỏ tuỳ theo thửa đất. Luống trồng được thiết kê theo hướng ngang với hướng dốc

- Thiết kế luống trồng:

+ Trồng thuần không cắm chái ( giàn leo): lên luống cao 25- 30 cm; nếu trồng 2 hàng dọc, mặt luống rộng 70cm ; trồng 3 hàng dọc thì mặt luống rộng 110cm; rãnh giữa các luống 30-40 cm; nếu trồng trên những nương rẫy, triền núi thì luống trồng nên bố trí theo hướng đồng tâm ; chú ý khơi rãnh và đảm bảo độ dốc để tiện thoát nước vào các tháng mưa to.

+ Trồng thuần có cắm chái (làm giàn leo): lên luống cao 25- 30 cm; mặt luống rộng 70cm (trồng 2 hàng dọc); rãnh giữa các luống 40 cm.

+ Trồng xen:

* Nếu trồng xen với sắn, ngô, lúa cạn: xen luống cách luống, luống Sâm dây cao 25- 30 cm, mặt luống rông 70 cm (trồng 2 hàng dọc) ; luống sắn cao 40 cm, mặt luống rộng 40 cm; rãnh giữa các luống rộng 30 cm; trường hợp không lên luống có thể đào hốc đường kính 20-30 cm, sâu 25-30 cm, trộn đất tơi xốp, mịn.

* Nếu trồng xen với cà phê: Cần phải lên luống giữa hai hàng cà phê, luống Sâm dây cao 25- 30 cm, mép luống cách cây cà phê khoảng 15 cm; khi trồng chú ý cây cách cây 35 – 40 cm, hàng cách hàng 40 cm; trong thời gian cây sâm dây phát triển đeo bám cây cà phê cần phải nhấc dây đưa và giữa luống, có biện pháp làm cỏ, vun đấy lên thân dây để tăng sản lượng củ con.

* Chú ý: bà con ước lượng 20 cm tương một gang tay hoặc 40 cm tương đương một khủy tay.

Sau khi trồng cần che đậy tủ bằng một lớp rơm rạ, lá cây khô để tránh khô củ khi trời nắng, và nó cũng là nguồn dinh dưỡng sau thời gian khoảng 2-3 tuần hoai mục.

Việc chuẩn bị đất được tiến hành tối thiểu 20 ngày trước khi trồng cần xử lí bón lân, vôi, phân chuồng, phơi đất để diệt mầm bệnh.  

         

Lên luống trồng Sâm dây

4. Mật độ và khoảng cách trồng.

Sâm dây là loại dây leo, đẻ nhánh mạnh, phát triển thành bụi. Trên mỗi luống trồng thành 2 hoặc 3 hàng so le nhau (trồng kiểu chân chó), với hàng cách hàng 40 cm và cây cách cây 35 - 40 cm (đất xấu trồng thưa, đất tốt trồng dày),luống trồng được thiết kế rộng 80-110cm, chiều dài luống tùy theo thế đất dài hay ngắn nhưng cần phải đảm bảo việc thoát nước hiệu quả, khoảng cách giữa các luống khoảng 40cm. Nếu trồng thuần với mật độ trên thì số lượng khoảng 63.000 – 70.000 củ/ha.

5. Kỹ thuật trồng

5.1. Trồng từ cây giống:

Nếu cây giống được gieo trồng từ vĩ xốp, khi trồng chỉ cần dùng ngón tay ấn nhẹ vào luống tạo thành hố nhỏ, sau đó vùi đất, ấn chặt gốc sao cho vừa ngập cổ rễ.

Nếu cây giống được gieo trồng trong bầu, trước khi trồng ta cần đào hố sao cho vừa túi bầu, dùng dao rạch theo chiều dọc của bầu cây, chú ý nên nhẹ tay tránh làm bễ bầu gây ảnh hưởng đến rể sâm dây. Đặt bầu vào hố luống đã chuẩn bị trước, lắp đất sao cho mặt trên của bầu ngang với mặt luống, dùng tay ấn xung quanh gốc bầu.

          

Sâm dây trồng xen cây Cà phê

5.2. Trồng từ củ

Dùng cây hoặc vật nhọn soi thành hố nhỏ (hoặc đào thành rãnh dọc theo luống), chiều sâu hố tương đương với chiều dài của củ. Đặt củ giống đã chuẩn bị trước vào hố (hay rãnh), mắt mầm hướng lên trên, lấy đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay để đất tiếp xúc tốt với củ, sau đó phủ đất mịn cho bằng mặt luống.

Chú ý:

- Chọn ngày trời mát để trồng. Đối với trồng từ cây giống, nên tười nước ngay sau khi trồng

- Nếu trồng thuần, ngay sau khi trồng cần làm giàn che nắng hoặc dùng rơm rạ, cây cỏ,... phủ lên luống trong giai đoạn đầu

- Nếu trồng xen thì việc trồng Sâm được tiến hành sau khi cây sắn, lúa hoặc ngô cao 40-50 cm thì mới trồng

6. Chăm sóc:

6.1.Tưới nước:

Cần cung cấp đủ nước trong suốt quá trình sống cho cây theo nguyên tắc chung: cây Sâm là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng nước. Vì vậy, trồng Sâm trên nương rẫy cần bố trí thời vụ trồng thích hợp, thường là mùa mưa.

Tuy nhiên, trong quá trình trị bệnh (đặc biệt là bệnh thối củ) ở một số thời điểm nhất định thì việc cắt giảm nước tưới, khơi thông ngập úng để hạn chế sự lây lan của dịch hại là cần thiết. 

6.2. Làm cỏ, vun gốc:

Tiến hành phun trừ hoặc làm cỏ dại bằng tay vào giai đoạn 25 -30 ngày sau khi trồng, kết hợp với bón thúc đợt 1 và xới xáo, vun gốc cho cây. Trong các tháng sau, khi thấy cỏ dại mọc lấn át cây Sâm thì phải làm sạch và tủ lại quanh gốc. Việc làm cỏ, vun gốc cần tiến hành thường xuyên theo định kỳ cho đến khi thu hoạch củ Sâm.

Mặt khác, cần bảo quản tốt diện tích canh tác, không để các con vật cắn phá, dẫm đạp lên cây. Không để củ lộ khỏi mặt đất để đảm bảo phẩm chất và giá trị thương phẩm của củ Sâm.

6.3. Bón phân:

Tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng, thực trạng của cây và mục đích sử dụng, mà sử dụng lượng phân bón cho phù hợp. Tuy nhiên, đây là cây dược liệu gắn với vùng canh tác đồi núi, nương rẫy nên vấn đề chọn lựa phân bón phù hợp cần được quan tâm.

Đối với 1 ha Sâm lượng phân bón như sau:

- Bón lót 15 tấn phân chuồng + 150 kg kali, kết hợp với vôi 250kg;

- Bón thúc: 150 -170 kg Super lân + 200 -220 kg Kali vào các thời điểm 25-30 ngày, 70 – 90 ngày, 120 -150 ngày sinh trưởng.

6.4. Phòng trừ sâu bệnh hại

Cây Sâm dây nếu chọn được giống tốt, trồng trên vùng đất tơi xốp giàu dinh dưỡng hữu cơ và vi sinh, đã xử lý khử nấm bệnh, côn trùng, thế đất cao ráo, tiêu thoát nước tốt, đất và nước tưới bảo đảm không có độc tố kim loại, chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh rẫy trồng tốt, môi trường thông thoáng, lành mạnh, thì rất ít bị nấm bệnh gây hại, cây sẽ cho năng suất cao.

Tuy nhiên, vào mùa mưa, cây Sâm dây cũng rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công giống như những loại cây trồng khác.

Nói chung, để phòng trị bệnh cho cây Sâm dây tốt nhất là áp dụng phương pháp IPM. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc BVTV thì chú ý sử dụng đúng loại thuốc cho phép, phun đúng thời điểm, đúng liều lượng.

Một số loại sâu bệnh hại chính thường gặp ở cây Sâm dây:

* Sâu, côn trùng gây hại:

Phổ biến là sâu ngài đêm đen (Black cutworm), sâu xanh cắn gây hại cây Sâm dây, có thể dùng các loại chế phẩm Furadan, Basudin,... Đối với rầy, rệp sáp,… có thể dùng Confidor, Regent,… và các loại thuốc diệt rầy.

* Bệnh hại:

- Bệnh thối gốc rễ, thối củ do vi khuẩn và nấm như Fusarium, Phytopjthora, Pythyum. Do đặc điểm bệnh rất khó trị, lây lan nhanh nên và gây tổn thất lớn nên phòng bệnh là vấn đề cần thiết và bắt buộc. Cần tiến hành thực hiện các biện pháp sau:

+ Ngay sau thu hoạch vụ trước (đối với đất trồng chuyên) hoặc trước khi tiến hành trồng, cần vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy thân cây dư thừa (nguồn lưu tồn bệnh);

+ Bố trí canh tác ở chân đất không bị ngập úng;

+ Bón lót vôi với liều lượng 50 -100 kg/1.000 m2 để xử lí đất;

+ Xử lí giống bằng các loại thuốc gốc đồng, Score, Phatox với liều lượng thích hợp để diệt mầm bệnh;

+ Khi phát hiện cây Sâm dây bị khô lá thôi củ cần cách li tránh lây lan cho những cây khác bằng cách đào hố sâu khoảng 40cm quanh những cây bị bệnh, sau đó rải vôi để ngằn ngừa sự lây lan.

+ Sử dụng Ridomil Gold pha với nồng độ 20g/10lit nước để phun.

- Bệnh rỉ sắt:

Bệnh này thường gây hại trên lá. Khi lá bị bệnh sẽ vàng và rụng hàng loạt, sau đó cành khô, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.

Cách phòng trừ bệnh hiệu quả nhất là làm cỏ, vệ sinh sạch sẽ cho thông thoảng, thu gom cành bệnh đi tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Ngoài ra, cân đối bón phân đầy đủ cho cây để cây phát triển tốt tăng khả năng kháng bệnh. 

Khi phát hiện bệnh phải tiến hành phun xịt thuốc ngay để trị bệnh. Nhóm thuốc trị bệnh rỉ sắt thích hợp là Carbendazim (Arin 25 SC); Benomyl (Binhnomyl 50WP, Plant 50 WP); Bromuconazole (Vectra 200 EC).. 

6.5. Một số chú ý trong quá trình chăm sóc Sâm dây

Sau khi trồng Sâm dây dùng rơm rạ, lá cây khô, các vật liệu khác để che mát cho cây; đồng thời tăng cường tưới nước vào những ngày không có mưa.

Tiến hành làm cỏ dại bằng tay vào giai đoạn 25 -30 ngày sau khi trồng, kết hợp với bón thúc phân đợt 1 và xới xáo, vun gốc cho cây, đồng thời tiến hành trồng dặm đối với những cây chết.

Trong các tháng sau, khi thấy cỏ dại mọc lấn át cây Sâm thì phải làm sạch và tủ lại quanh gốc.

Thường xuyên theo dõi, tưới tiêu để giữ đất ẩm. Nếu gặp khô hạn thì cần phải tưới rãnh cho nước ngập 1/2 - 2/3 luống.

Sau trồng khoảng  70 -90  ngày tiến hành vun xới luống, để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ cho quá trình hình thành củ sâm từ những nách thân.

Khi phát hiện bắt đầu có dây sâm khô héo và lụi dần, ta tiến hành làm cỏ đợt cuối trong năm thứ nhất

Sau 8 tháng tức vào khoảng tháng 2 – 3 dương lịch dây sâm sẽ bị khô héo và lụi dần hay còn gọi là thời gian ngủ của sâm, trong thời gian này ta sẽ không thấy được gốc cây sâm nên ta không làm cỏ hoặc cuốc xới tránh vô tình gây tổn thương cho củ sâm, nếu làm cỏ ta chỉ có thể dùng tay nhổ và xới nhẹ trên mặt luống

Sâm dây trồng xen mì

Thường xuyên thăm rẫy, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cần chú ý bảo vệ trách gia súc phá hoại

Trong thời gia này cần chú ý đến sự sinh trưởng và phát triển của cây Sâm dây vì trong thời gian ngủ thời tiết thường khô hạn đến lúc trời mưa ẩm độ cao, sẽ rất dễ gây ra bệnh thối nhũn hoặc lở cổ rễ trên cây Sâm dây, cần có biện pháp xử lí kịp thời bằng việc cách li hoặc phun thuốc cho cây.

Việc thu hoạch có thể bắt đầu cuối năm sau khi thu trái và cây Sâm dây bắt đầu mùa nghĩ khoảng 2-3 tháng. Bất kỳ một tác động nào làm gây hại lên chồi và dây sẽ làm giảm năng suất thu hoạch. Thời gian này quanh gốc chính sẽ có rất nhiều gốc sâm nhỏ mới hình thành nên chu ý khi làm cỏ tránh làm gây hại đến gốc sâm.

7. Thu hoạch và bảo quản cây Sâm dây

7.1. Thu hoạch

Cây Sâm dây trồng khoảng 2 năm có thể thu hoạch được nếu trồng từ hạt, hoặc 14-16 tháng nếu trồng từ củ. Sản phẩm chính của sâm dây là củ. Thời vụ thu hoạch có thể vào cuối mùa sinh trưởng, thông thường vào giai đoạn sau khi quả chín (tháng 11- 12).

Có 2 phương pháp thu hoạch chính:

- Thu toàn bộ: thu tất cả các củ Sâm trên đồng ruông kế cả củ lớn bé. Đối với phương pháp này cần đào rộng, tránh làm sây sát, đứt đoạn rễ củ làm giảm giá trị củ sâm. Nếu gặp đất cứng có thể tưới đẩm nước để dễ đào bới.

Các củ sau khi thu hoạch có thể phân loại, loại lớn đem chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Những củ nhỏ có thể làm giống trồng trong vụ sau.

Các củ nhỏ làm giống cần mang về và lên kế hoạch ươm vào bầu không để quá lâu củ sẽ bị thối nhũn. Trong trường hợp thu hoạch củ trong giai đoạn mùa mưa ta có thể đem các củ nhỏ trồng ngay vào đất tại ruộng.

- Thu tỉa: có nhiều ưu điểm hơn, có thể chủ động bán sản phẩm vào những thời điểm có giá cao; luôn có sản phẩm xuất bán, do khi thu chỉ chọn những củ đạt kích cỡ thương phẩm nên sản phẩm luôn có giá cao hơn. Mặt khác, đồng ruộng trồng sâm luôn được duy trì do lượng củ vẫn còn.

Để thu tỉa cần đào bới nhẹ ở những gốc sâm chính, thu lấy những củ lớn, chừa lại các củ nhỏ, sau đó lắp đất, tủ gốc trở lại. 

7.2. Bảo quản

Củ đào về rửa sạch, loại bỏ rễ con, phơi nắng cho khô. Trong quá trình phơi thường xuyên trộn đảo để củ khô đều.

Nếu vào mùa mưa thì xử lý làm khô bằng phương pháp sấy nhưng chú ý   chỉ cho thổi vào củ hơi đã bớt nóng và kéo hơi ẩm trong ra, đề phòng củ sâm bị chai cứng, cháy xém.

Sau khi phơi hoặc sấy, củ Sâm dây có hình cong queo, vỏ có màu xám nhạt, xù xì. Nếu bảo quản lâu dài, củ Sâm dây cần được phơi thật khô, độ ẩm dưới 10 %, bảo quản kín trong túi Nylon tốt, hai lớp; đồng thời có ghi nhãn đầy đủ: mã lô sản xuất, nơi và ngày đóng gói, v.v…Sản phẩm bao gói được để trong kho đạt tiêu chuẩn, trên kệ kê cao khỏi mặt sàn, cách tường nhà, nơi khô ráo, thoáng mát, luôn được kiểm tra tránh mốc mọt. Nếu phát hiện chớm bị mốc cần phơi hoặc sấy khô lại ngay, lấy bàn chải chải cho sạch, không được rửa bằng nước. Chý ý có biện pháp thích hợp để phòng mối mọt, vật gậm nhấm phá hoại.

Khi vận chuyển đi xa cần vận chuyển trong xe tải kín để tránh mưa, nắng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.


Các bài viết khác

Gọi điện SMS Chỉ đường