Kon Tum: Phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Trong gần 1.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc ở khu vực Tây Nguyên, thì riêng địa bàn tỉnh Kon Tum có tới 853 loài mà nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến, ngũ vị tử… Tỉnh Kon Tum xác định phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước.

Tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, với nhiệt độ trung bình trong năm 24,90C, khí hậu Kon Tum phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nơi khác nhau.

Để khai thác tiềm năng thế mạnh này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 27/7/2011 về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo đó, tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao tại huyện Đăk Hà; vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa xứ lạnh tại Măng Đen; vùng dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy... tại 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông....

Mục tiêu cụ thể phát triển cây dược liệu từ năm 2018 đến năm 2020 được xác định là bảo tồn và nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị dược liệu cao như đảng sâm, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, đương quy… tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn đạt 50 tấn nguyên liệu/năm.

Phát triển 2.500ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 9 loài dược liệu địa phương và các loài dược liệu theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh với tổng sản lượng nguyên liệu các loài dược liệu đạt 755.000 tấn, tại các vùng gồm: 1.000ha sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, Đăk Glei; 300ha đảng sâm, 100ha đương quy, 50ha ngũ vị tử, 400ha ý dĩ, 20ha lan kim tuyến tại Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; 300ha nghệ vàng tại thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Kon Rẫy và Ia H'Drai; 100ha sa nhân tím tại Ia H'Drai và Sa Thầy; 200ha đinh lăng tại Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Tô; 30ha nấm dược liệu tại thành phố Kon Tum, Đăk Glei, Đăk Hà, Kon Plông.

Giai đoạn 2021-2030: Phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia với diện tích 10.000ha các loài dược liệu. Trong đó, 5.000ha sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei; 800ha đảng sâm, 250ha ngũ vị tử, 600ha đương quy, 80ha lan kim tuyến tại Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei; 300ha sa nhân tím tại Ia H'Drai, Sa Thầy; 600ha ý dĩ tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei; 1.000ha nghệ vàng tại thành phố Kon Tum, Sa Thầy, Ia H'Drai và Kon Rẫy; 30ha nấm dược liệu tại thành phố Kon Tum, Đăk Glei, Đăk Hà và Kon Plông; 740ha các loài dược liệu khác tại các huyện, thành phố. Sản lượng các loại dược liệu đạt 3.731.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát triển một số loại dược liệu; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu như: Miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu....

Từ các chủ trương, chính sách này, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điển hình là công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển được trên 300ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng được hơn 13ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH Thái Hòa trồng 40ha sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ vàng, gừng, kan khương, ba kích, giảo cổ lam.... ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Plông.

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình ở các xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông)... được UBND huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây Lan Kim Tuyến

Cùng với các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động triển khai cho các hộ dân trồng cây dược liệu theo quy hoạch của tỉnh. Tại huyện Tu Mơ Rông Chủ tịch UBND huyện A Hơn cho biết: Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông đã có Nghị quyết về phát triển cây đảng sâm trên địa bàn và xác định đây là một trong các loại cây trồng chủ lực của địa phương để xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Từ chủ trương của huyện, HĐND xã Măng Ri đã ban hành nghị quyết phấn đấu mỗi hộ phát triển ít nhất một sào đảng sâm bằng cách vận động bà con dân tộc thiểu số tận dụng quỹ đất kết hợp với trồng xen cây đảng sâm trong sản xuất nương rẫy nhà nước hỗ trợ cây giống. Nhờ vậy, đến nay, toàn xã có khoảng 90% số hộ đã trồng đảng sâm.

Cũng tại xã Măng Ri đã có hơn 200 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số liên kết với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum để bảo vệ, chăm sóc vườn sâm, với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, đang mở ra hướng thoát nghèo mới cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Vườn Ươm giống Ngũ Vị Tử

Tại huyện Kon Plông, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lân cho biết, địa phương đã khảo sát, quy hoạch trên 600ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững, đồng thời đang hỗ trợ người dân trồng 100ha dược liệu trong năm 2017.

Cùng với người dân, trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có 18 dự án liên quan đến đầu tư trồng và phát triển cây dược liệu như: Dự án du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu; dự án đầu tư, quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi dê sữa công nghệ cao; dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp với du lịch sinh thái...

Trong đó Công ty CP Dược liệu Măng Đen hỗ trợ đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng 30ha nghệ ở các xã Ngọc Tem, Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng; Công ty TNHH Sơn Trung Du đầu tư giống, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng 30ha cà gai leo ở xã Măng Cành và Đăk Tăng. Cả hai công ty này đều cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Để tạo bước đi vững chắc trong việc phát triển cây dược liệu của địa phương, tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen) ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nhân giống cây lan kim tuyến, đảng sâm và một số cây dược liệu khác với khả năng cung cấp hàng trăm nghìn cây giống mỗi năm.

Tỉnh cũng đang đề xuất chính sách hỗ trợ nuôi trồng bốn loài dược liệu địa phương gồm sâm Ngọc Linh, đảng sâm, lan kim tuyến, ngũ vị tử cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tại các vùng trọng điểm nuôi trồng dược liệu Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Mức hỗ trợ cho một hộ gia đình, cá nhân tối đa 30 triệu đồng (bằng giống) đối với giống sâm Ngọc Linh; 10 triệu đồng (bằng tiền) đối với giống các loài dược liệu đảng sâm, lan kim tuyến, ngũ vị tử; hình thức hỗ trợ theo khối lượng nghiệm thu hoàn thành.

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đề ra lộ trình đến năm 2020, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cụm công nghiệp chế biến dược liệu công nghệ cao tại thành phố Kon Tum để thu hút dự án đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ (tinh nghệ) với công suất 50 tấn/năm; đưa vào hoạt động các dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm (sâm Ngọc Linh, sâm đương quy, đảng sâm) công suất 50 tấn củ tươi/năm tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei và 10 cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm dược liệu có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu tại các huyện, thành phố.

Trong đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu; phấn đấu có sản phẩm đầu tiên trên thị trường, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, theo Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra kế hoạch huy động với tổng nguồn vốn khoảng hơn một nghìn tỷ đồng cho các mục tiêu phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và đến năm 2030 với khoảng gần năm nghìn tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách địa phương bố trí hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và lồng ghép từ các chương trình, dự án liên quan là 58,75 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ là 814,83 tỷ đồng; vốn tín dụng, huy động nguồn vốn xã hội hoá (nguồn tự có, nguồn đối ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn khác theo quy định của pháp luật) khoảng gần bốn nghìn tỷ đồng.

Hy vọng với kế hoạch và giải pháp đề ra, tỉnh Kon Tum sẽ đạt được mục tiêu, đưa tiềm năng, lợi thế về cây dược liệu trên địa bàn thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân; đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước.

Nguồn:baokontum.com.vn


Các bài viết khác

Gọi điện SMS Chỉ đường